Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có nhiều chức năng: nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác để giới thiệu, giáo dục về văn hoá của các dân tộc ở Việt Nam cũng như các nước khác...
Quá trình hình thành Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được xúc tiến từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn vô cùng khó khăn trong thời hậu chiến. Ngày 24/10/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12/11/1997, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp họp tại Hà Nội, Bảo tàng tổ chức lễ khánh thành, với sự có mặt của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hoà Pháp Jacques Chirac.
Bảo tàng tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 4,5ha, bao gồm ba khu trưng bày:
Thứ nhất, tòa nhà 2 tầng có tên gọi Trống đồng, trưng bày về các dân tộc ở Việt Nam, bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 13/11/1997.
Thứ hai, khu trưng bày ngoài trời, được gọi là Vườn kiến trúc, rộng khoảng 2ha, xây dựng từ năm 1998 đến 2006, giới thiệu chủ yếu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam.
Thứ ba, tòa nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều, khởi công xây dựng tháng 6/2007 và khai trương trưng bày đầu tiên vào cuối năm 2013, là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á.
Ứng dụng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho phép người dùng:
- Quét QR, nhập mã số câu chuyện để nghe audio.
- Tham quan du lịch và nghe audio thuyết minh tự động.
- Bản đồ hiển thị vị trí cụ thể của mỗi câu chuyện.